Bất kỳ một thị trường lao động nào cũng tồn tại những hạn chế nhất định bên cạnh những ưu điểm mang lại cho người lao động. Thực tế cho thấy, việc đi xuất khẩu lao động Châu Âu không còn là khái niệm quá xa lạ đối với người lao động Việt Nam nói riêng, lao động nước khác nói chung…
Theo số liệu của Tổ chức Di cư quốc tế, hiện nay trên thế giới có hơn 200 triệu người di cư, chiếm trên 3% dân số toàn cầu. Ở Việt Nam di cư là một hiện tượng kinh tế – xã hội, những người di cư chủ yếu vì mục đích kinh tế. Đến nay, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài có khoảng 3,2 triệu người, có mặt tại gần 100 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Hoạt động di cư ra nước ngoài của công dân Việt Nam tăng nhanh về số lượng, đa dạng về hình thức, phức tạp về tính chất.
Về cơ bản người Việt Nam ra nước ngoài theo hầu hết các loại hình di cư như di cư lao động, hôn nhân – gia đình, du học… Theo thống kê, hiện nay có khoảng 500.000 lao động Việt Nam làm việc tại hơn 40 nước và vùng lãnh thổ, khoảng hơn 250.000 công dân Việt Nam kết hôn với người nước ngoài, trong đó phần lớn là phụ nữ Việt Nam lấy chồng Đài Loan, Hàn Quốc, Trung Quốc, Malaysia, Singapore, Mỹ, Pháp, Australia… và trên 30.000 du học sinh Việt Nam ở nước ngoài.
Hiện nay lao động Việt Nam làm việc ở trên 40 nước và vùng lãnh thổ, trong đó có 12 quốc gia trong khối EU là: Bulgaria, CH Síp, CH Czech, Phần Lan, Pháp, Itallia, Manta, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Rumani, và Vương quốc Anh. Thông qua hợp tác xuất khẩu lao động với các nước trong thời gian qua, có thể khẳng định rằng: Liên minh châu Âu là một thị trường nhiều tiềm năng đối với lao động Việt Nam do thu nhập cao, môi trường an ninh, chính trị, xã hội ổn định, tôn trọng nhân quyền.
Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi trong việc xúc tiến hợp tác về lao động với EU nói chung và với từng nước thành viên nói riêng. Trước hết do quan hệ hợp tác lao động của Việt Nam với một số nước thành viên EU (các nước thuộc Đông Âu và Liên Xô cũ) đã có từ những năm 80; quan hệ với thế hệ các nhà lãnh đạo trước đây đã ủng hộ Việt Nam trong chiến tranh giải phóng dân tộc (Pháp và Thụy Điển).
Thứ hai là, cộng đồng người Việt đông đảo (khoảng 600.000 người) đang làm ăn sinh sống lâu dài ở EU, trong số này, nhiều người là trí thức, có địa vị cao trong xã hội; một số lượng lớn doanh nhân trẻ gốc Việt năng động, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp nhận lao động Việt Nam đi làm việc tại thị trường này. Thứ ba là, quan hệ của Việt Nam và EU đã từng bước được cải thiện kể từ khi bắt đầu thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1995, đang tiến tới quan hệ đối tác bình đẳng, hợp tác toàn diện, lâu dài giữa Việt Nam và EU vì hòa bình và phát triển.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi như đã nói ở trên, việc xúc tiến đưa lao động Việt Nam sang làm việc tại EU cũng gặp phải không ít khó khăn. Đó là, sự cách biệt về địa lý, khác biệt lớn về ngôn ngữ, văn hóa, phong tục tập quán giữa Việt Nam và EU; sự cạnh tranh gay gắt của lao động các nước đang phát triển khác (đặc biệt là các nước trước đây đã có truyền thống đưa lao động sang làm việc tại một số nước thuộc EU như các nước châu Phi); sự cạnh tranh lao động của các nước mới gia nhập EU; lao động Việt Nam phần lớn là lao động phổ thông hoặc bán nghề, tuy nhiên, các nước thành viên EU lại chỉ khuyến khích nhận lao động kỹ thuật cao hoặc có trình độ chuyên môn cao cấp. Mặt khác, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu hiện nay tác động trực tiếp tới cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.
Hàng loạt lao động Việt Nam mất việc làm hoặc bị cắt hợp đồng, một số cố gắng ở lại mong kiếm tìm cơ hội mới nhưng số đông phải về nước tìm việc làm kéo theo hàng loạt vấn đề kinh tế – xã hội cần phải giải quyết. Bên cạnh đó là tiếng chuông báo động về an ninh trật tự liên quan đến vấn đề xuất khẩu lao động sang châu Âu. Đó là tình trạng nhiều đối tượng, công ty lừa đảo người lao động với nhiều thủ đoạn tinh vi để chiếm đoạt tài sản hoặc đưa người lao động đi bất hợp pháp dưới hình thức buôn người.
Đã có dấu hiệu hình thành các đường dây đưa phụ nữ Việt Nam sang châu Âu, bán vào các ổ mại dâm. Tình trạng lao động người Việt sang châu Âu làm việc nhưng tự ý phá vỡ hợp đồng, vi phạm kỷ luật lao động, bỏ trốn ở lại làm việc sau khi hết hạn cũng gây thiệt hại và mất uy tín cho lao động Việt Nam nói chung và các công ty xuất khẩu lao động nói riêng. Không ít người lao động Việt Nam ở châu Âu đã có hành vi vi phạm pháp luật, thậm chí ở mức nghiêm trọng.
Do vậy, để thực hiện tốt chính sách xuất khẩu lao động của Đảng và Nhà nước, giữ uy tín cho lao động Việt Nam và đảm bảo quyền lợi của người lao động, trong thời gian tới các lực lượng chức năng cần tổ chức tốt các hình thức tuyên truyền, phổ biến giáo dục để ngăn chặn tình trạng xuất cảnh trái phép ra nước ngoài.
Tuyên truyền, vận động để người dân hiểu và tự giác chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của Việt Nam và các nước EU trong xuất nhập cảnh. Từ đó người dân cần nâng cao nhận thức, không nghe theo sự lôi kéo của bọn tội phạm lừa đảo, xuất khẩu lao động bất hợp pháp ra nước ngoài.
Các lực lượng chức năng cần đấu tranh mạnh, triệt phá các đường dây, tổ chức tội phạm trong lĩnh vực xuất khẩu lao động, phối hợp với cảnh sát các nước châu Âu điều tra và triệt phá tận gốc các đường dây này, cũng như phối hợp điều tra và xử lý các đối tượng là lao động người Việt Nam phạm tội tại các nước này.